Thoa kem chống nắng, che chắn da kỹ lưỡng mỗi khi ra đường nhưng vì ngồi làm việc cạnh cửa sổ suốt 8 tiếng mỗi ngày, làn da của người phụ nữ 34 tuổi xuất hiện nhiều đốm nâu, vết nám.
Một người dùng Reddit có tên Bugmillionaire nói cô luôn thoa kem chống nắng, che chắn mũ áo mỗi khi ra đường nhưng da cô vẫn xuất hiện những vết nám. "Tôi 34 tuổi, có làn da cũng khá ổn nhưng mỗi lần đi gặp bác sĩ da liễu, họ đều nói da tôi bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Lúc đầu tôi nghĩ điều đó là do ngày nhỏ tôi đã sống ở Nam Florida nhưng có vẻ như mỗi lần đi khám da liễu, lại phát hiện thêm nhiều đốm nâu ở những vị trí mới", cô cho biết.
Sau đó tài khoản Bugmillionaire nhận ra một thói quen tai hại đã khiến làn da trở nên nhanh lão hóa hơn. "Tôi nhận ra rằng tôi làm việc ở nhà và ngồi trước cửa sổ 8 tiếng mỗi ngày. Tôi cũng nấu ăn gần cửa sổ suốt nhiều năm qua. Tôi thực sự ước mình nhận ra điều này sớm hơn", người phụ nữ viết.
Cô cũng cho biết đã chọn giải pháp dùng phim cách nhiệt dán cửa sổ giúp ngăn chặn phần nào tia UV, làm mát căn hộ đồng thời thoa kem chống nắng ngay cả khi ở trong nhà. "Tôi cho rằng lời khuyên hữu ích ở đây là nếu bạn thường xuyên ngồi cạnh cửa sổ, hãy dán một lớp phim chống tia UV để không vô tình khiến bản thân bị tổn thương do ánh nắng mặt trời ngay cả khi ở trong nhà", Bugmillionaire gợi ý.
Bên dưới bài viết của Bugmillionaire, nhiều người dụng mạng xã hội thừa nhận việc các chuyên gia da liễu khuyến khích thoa kem chống nắng ngay cả khi ở trong nhà hoàn toàn hợp lý. "Da tôi bị tổn thương do tia UV và có phần nặng ở một bên mặt do tôi làm việc trong một văn phòng tràn ngập ánh nắng", một người bình luận.
Một tài khoản khác cho biết: "Khi chúng tôi không có ai quan trọng ở trong văn phòng, tôi thường đội mũ hoặc che mặt khi làm việc".
Tia UV - tác nhân đẩy nhanh tốc độ lão hóa, làm xuất hiện nếp nhăn, khiến da xỉn màu - tồn tại và hoạt động không phụ thuộc vào nhiệt độ thời tiết nên ngay cả khi trời lạnh, giông bão, bạn vẫn được khuyên nên thoa kem chống nắng. Khi bạn ngồi trong nhà, tia UV vẫn có thể xuyên qua cửa kính. Ngoài ra, tia UV còn tồn tại ở nhiều nguồn như đèn điện, máy vi tính, điện thoại...